Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

Vô Hồn - "Chuyện về một người không chân chính"

Ngay phía dưới tựa đề sách là dòng chú thích khá sốc: Chuyện về một người không chân chính. Quả thật, đọc 515 trang sách mới thấy lời chú thích này không sai. Duhless (Vô hồn) của tác giả người Nga Sergey Minaev đã miêu tả sự thật xã hội của một lớp người giàu mới ở Nga, theo lời tác giả là “kinh tởm và đê tiện”.



Cả cuốn sách tập trung mô tả về cảnh tượng ăn chơi thác loạn của giới quý tộc mới phất ở Nga từ những năm đầu thập niên 90. Đa phần là những người thuộc thế hệ 7X. Đó là những giám đốc kinh doanh thuộc các tập đoàn lớn có mức lương cao ngất ngưởng, là chủ của các vũ trường ăn chơi trác táng tại các thành phố. Sát cánh bên họ là tầng lớp thấp kém: các cô gái điếm, những tên ma cô thứ thiệt, những tên cớm biến chất…

Rất nhẹ nhàng nhưng thâm thúy, nhân vật tôi dẫn dắt người đọc vào những chốn “thâm cung bí sử”, những động ăn chơi của giới lắm tiền nhiều của. Ở đó, nơi mà nhân cách con người không tồn tại, họ đánh giá, định hình cách cư xử với nhau qua đồng tiền. Không có tiền, các cô gái điếm không buồn ghé mắt. Không có tiền, đám ma cô không cho ló dạng vào hộp đêm…

Nhân vật tôi là người trong cuộc, có một cuộc sống thối tha mà chính anh ta cũng nhận thức được là “vô hồn”. Mỗi ngày, “tôi” là ông sếp mẫn cán trong mắt nhân viên. Đêm đến, “tôi” ngập chìm trong men rượu, bia, ma túy và gái. Kết thúc cuộc chơi bao giờ “tôi” cũng loạng choạng về nhà hoặc qua đêm ở một khách sạn nào đó với cô gái một đêm. Sáng ra, đầu óc chuếnh choáng vào công ty.

Cuộc sống cứ quay vòng để rồi sau những đêm mệt mỏi vì ăn chơi, “tôi” cảm thấy mọi thứ đều trống rỗng. Tiền bạc, danh vọng, địa vị, gái điếm… đều vô nghĩa. Và rất lạ, sau mỗi cuộc vui chơi vô bổ, “tôi” lại khao khát được trò chuyện với cô bạn gái Julia hiền lành để thấy lòng mình thanh thản, nhẹ nhõm. Thỉnh thoảng, “tôi” lại ao ước mình được trở lại là mình của… hai mươi năm về trước với một tâm hồn trong sáng.

Ý thức rất rõ về sự trống rỗng của tâm hồn nhưng nhân vật tôi vẫn không dừng lại các cuộc ăn chơi. Đơn giản bởi vì cả xã hội đều thối nát, mục ruỗng như thế. Rất bình thường, thế giới của loại người này không tồn tại ban ngày mà chỉ hiện diện ban đêm. Đông đến nỗi tác giả gọi họ là đội quân xác ướp. Và các “xác ướp” này luôn hít ngửi nhau qua cái vẻ thời trang bên ngoài. Họ ở nước Nga nhưng luôn bắt chước phong cách của Mỹ, từ ăn mặc, đi đứng đến nói năng…

Tự nhận mình cũng là một trong những người “vô hồn” nhưng nhân vật tôi luôn tỉnh táo phán xét mọi thứ chung quanh mình. “Tôi” sợ rồi có lúc mình cũng là một “xác ướp”. Về bản chất, “tôi” đã đặt một chân vào thế giới đó, hoang phí tháng ngày trong quỹ thời gian của mình chỉ để nhận được sự trống rỗng của những đêm ăn chơi thác loạn. Làm sao để kéo mình ra bãi lầy này? Đó là câu hỏi mà “tôi” cứ day dứt khi càng ngày càng ý thức được sự trống rỗng tâm hồn.

Ngay trang đầu cuốn sách ghi lời đề tặng: “Thân tặng thế hệ sinh ra trong những năm 1970-1976, thế hệ với thật nhiều tương lai và hứa hẹn. Sự khởi đầu của thế hệ này từng rực rỡ biết bao nhưng cuộc sống họ lại uổng phí biết nhường nào…” như một sự nuối tiếc ngậm ngùi. 

Tại Nga, trong vòng ba tháng kể từ ngày xuất bản, cuốn Duhless của Sergey Minaev đã trở thành hiện tượng với số lượng tiêu thụ là 100 nghìn bản. Độc giả gần như... cướp cuốn sách này ra khỏi kệ sách của nhà sách. Hiện tại, Duhless  tiếp tục giữ vị trí best-seller trong bảng xếp hạng sách bán chạy nhất Moscow và Saint-Peterburg.

Nhà văn Sergey Minaev sinh năm 1975, tốt nghiệp chuyên ngành lịch sử - lưu trữ nhưng lại theo nghề kinh doanh rượu. Ngoài máu kinh doanh, ông còn có nghề tay trái: sáng tác và cộng tác với một số tạp chí.

Là một tên tuổi hoàn toàn mới trên văn đàn Nga, Sergey Minaev thậm chí chưa dám nhận mình là nhà văn. Thành công của cuốn sách vượt quá mong đợi của ông. Tại một cuộc họp báo, ông đã phát biểu: “Cuốn sách không phải là cuốn tự truyện, nó miêu tả một số sự kiện liên quan đến bản thân tôi”.

Thanh Phúc
Nguồn: VTC News

0 nhận xét:

Đăng nhận xét