Ngày Xuân mà thiếu trà là thiếu hương vị đậm đà của Xuân. Người xưa coi trà như lẽ sống, người nay cũng lấy trà làm bạn tri âm.
Một người bạn hiền, một khung cảnh ấm áp, thư thái, nâng chén trà ngon, cho nhau một chút tình đời, ý đạo, còn gì thú vị hơn! trà còn đem lại sự an lạc, thư giãn sau những giờ phút lao động mệt nhọc, căng thẳng. Uống trà để lấy lại thăng bằng tâm lý, cơ hội thưởng thức một thú vui, là nghệ thuật giữ cho tâm hồn thanh cao, an tĩnh.
Các cụ ta từng có cái nhìn tinh tế “nhất thủy - nhì trà - tam bôi - tứ bình - ngũ quần anh”. Để có chén trà ngon, loại trà chỉ xếp vào hàng thứ hai, mà quan trọng hàng đầu là nước pha trà, phải là nước tuyết tan, nước mưa hứng giữa trời, nước suối thiên nhiên, hoặc nước giếng sâu. Cách đun nước cũng kén chọn. Không đun nước bằng củi, bằng dầu, mà phải đun bằng than để không làm mất đi mùi vị của trà. Cũng không đun nước sôi sùng sục, mà chỉ sôi sủi tăm, sôi đầu nhang, nhiệt độ khoảng trên 800C, để trà không bị mất mùi, không bị cháy khê.
Quan trọng thứ ba, là chỉ uống trà bằng chén nhỏ (chén hạt mít, chén mắt trâu), và trước khi rót trà cần tráng chén bằng nước sôi để làm nóng và sạch chén. Ấm pha trà đứng hạng thứ tư. Tùy vào số lượng người thưởng thức trà mà chọn kiểu bình, kiểu ấm khác nhau, độc ẩm, song ẩm, hay quần ẩm. Ấm đã được làm nóng, nhưng cũng cần rửa trà bằng một ít nước sôi, gọi là “tráng”, sau đó đổ đi cho nước mới vào để trà nở đều và đậm hương vị.
Phong cách mời trà của người Việt cũng khá công phu. Sau khi tráng chén bằng nước sôi cho sạch và giữ nhiệt, người ta xếp các chén vào sát nhau thành một vòng tròn. Đó là thể hiện sự gắn bó giữa con người với nhau, thể hiện tình làng nghĩa xóm, cũng như mong ước cuộc sống viên mãn, đầy đủ. Khi rót trà theo hình tròn, mỗi chén rót một chút, từ đầu đến cuối, rồi vòng ngược lại. Rót như thế làm cho chén trà nào cũng đậm nhạt như nhau, thể hiện sự bình đẳng giữa chủ và khách trong hưởng thụ tinh túy của thiên nhiên, trong quan hệ xã hội, thể hiện ý nghĩa cái đạo của trà Việt.
Trong tất cả các thức uống, có thể nói uống trà được xem là nghệ thuật tinh tế nhất. Cùng một đồi chè, nhưng chè hướng Đông bao giờ cũng ngon hơn chè hướng Tây, bởi chè hướng Đông được đón nhận những tia nắng mặt trời buổi sớm. Hơn nữa, vườn chè cũng theo bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông mà có hương vị khác nhau. Tuyệt hảo là chè Xuân, còn gọi là chè tiền minh (trước tiết thanh minh).
Khi cái giá rét của mùa Đông vừa qua đi, những tia nắng ấm đầu tiên của mùa Xuân vừa ló rạng, thì những đọt non cũng bừng nhú trên những cành chè mảnh mai. Thứ đọt non ấy nếu hái lúc tinh mơ, khi cả đồi chè còn chìm trong sương, rồi đem về “sao suốt” thì hương thơm ngào ngạt như chõ xôi nếp cái, vị ngọt về sau bền vấn vít mãi trong cổ họng như ngậm đường phèn. Các cụ bảo “uống một tách trà, đi xa vạn dặm” là vậy.
Kỳ công nhất là cách thưởng thức trà sen Hồ Tây của người Hà Nội và trà cung đình Huế. Uống trà sen đúng cách là ngồi trên sập gỗ, dưới mái hiên, giữa đầm sen bát ngát. Ngày nay, giữa chốn phồn hoa náo nhiệt, người Hà Nội vẫn tìm được chốn thanh bình, đặc biệt khi mùa sen nở, nhiều người rủ nhau lên Hồ Tây uống chè sen sớm. Từ sáng tinh mơ đã có mấy chiếc thuyền nhỏ thoắt ẩn thoắt hiện giữa đầm sen, tinh nhanh tìm kiếm những búp sen “hé miệng sáo” lấp ló sau những tấm lá rộng. Phải hái nhanh, nhẹ nhàng thì búp sen mới không nhàu nát.
Độc đáo là cách ướp ngay tại đầm sen. Khi hoàng hôn rải nắng vàng lên mặt hồ, người ta chèo thuyền chọn những bông sen chớm nở, lén bỏ vào một nhúm trà nhỏ. Sớm hôm sau khi bình minh chưa hé rạng, người ta ra hái bông sen vừa ướp về. Ấm trà không chỉ có chè ướp trong sen, mà còn có cả tua sen và gương sen. Trà sen ngon phải qua nhiều công đoạn ướp sấy cầu kỳ. Một ấm trà sen có thể uống hàng chục tuần trà. Uống trà sen sáng sớm là thú chơi tao nhã của người Hà Nội. Chẳng thế mà có câu “bán dạ tam bôi tửu, bình minh nhất trản trà” (nửa đêm nhấm nháp ba chung rượu, sáng sớm nhâm nhi một chén trà) và “rượu ngâm nga, trà liền tay”.
Thú vị hơn nữa khi thưởng thức loại trà hoa nghệ thuật, bỗng thấy một bông hoa nở bung trong ấm trà, trà độc đáo ghép với các loại hoa hồng, nhài, sen, cúc, mẫu đơn… Chế biến hoàn toàn làm thủ công.
Sau khi khử bớt vị chát của chè, người ta tỉ mỉ xoắn từng búp chè rồi ghép lại thành bông hoa, mỗi bông chừng 3 - 3,5g, vừa đủ pha một ấm. Toàn bộ nguyên liệu đều từ tự nhiên, búp chè hảo hạng cao cấp, dây buộc ghép từng búp chè cũng bằng cỏ mần trầu có tác dụng chữa bệnh. Tùy yêu cầu của khách, có thể ghép chè với các loại hoa rồi ướp hương, tẩm sấy 3 lần cho búp khô, hòa quyện với hương hoa mà vẫn giữ được màu sắc tự nhiên của loại hoa. Cầu kỳ như thế, nên người thợ giỏi cũng chỉ làm được 20-25 búp trà nghệ thuật trong mỗi ca 8 tiếng đồng hồ. Mặc dù giá 1 kg trà hoa nghệ thuật trên 10 triệu đồng, nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu rất lớn của khách trong và ngoài nước, nhất là khách sành trà đến từ Nhật Bản, Trung Quốc...
Theo VOV
0 nhận xét:
Đăng nhận xét