Mạng xã hội thay đổi việc kinh doanh như thế nào?
Mạng xã hội là sự phát triển kinh doanh quan trọng nhất của năm 2010, vượt qua sự trỗi dậy của ngành công nghiệp ô tô Mỹ.
Tác giả Bill George là giáo sư về Hoạt động quản lý tại trường kinh tế Harvard.
Trong năm qua, mạng xã hội từ một công cụ truyền thông cá nhân dành cho những người trẻ tuổi đã biến thành một phương tiện truyền bá được các nhà lãnh đạo kinh doanh sử dụng để giao tiếp với nhân viên và khách hàng, bởi mạng xã hội đã biến việc chuyển tải thông tin một chiều thành chuyển tải thông tin tương tác hai chiều.
Đó là lý do tại sao tạp chí Time bình chọn người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg là Nhân Vật của Năm.
Một năm trước, rất nhiều người cười nhạo Facebook là nơi bọn trẻ chia sẻ những tin tức mới nhất về tiệc tùng. Ngày nay hơn 600 triệu người trên thế giới sử dụng facebook. Xét về nhân khẩu học thì những người trên 40 tuổi là lực lượng sử dụng facebook tăng trưởng nhanh nhất.
Hơn 300 triệu người tốn ít nhất mỗi giờ một ngày trên facebook. Gần 200 triệu người sử dụng Twitter mặc dù - hoặc bởi vì - giới hạn 140 kí tự của mạng này. 100 triệu người khác sử dụng LinkedIn. Không một mạng xã hội nào kể trên từng tồn tại vào đầu thập kỉ này.
Các nhà lãnh đạo như Sam Palmisano của IBM, Indra Nooyi của PepsiCo, Steve Jobs của Apple, Steve Ballmer của Microsoft, Marilyn Nelson của Carlson hay Hiệu trưởng trường kinh doanh Harvard Nitin Nohria đều là những người sử dụng mạng xã hội tích cực. Tại sao?
Bởi mạng xã hội là cách độc đáo để truyền tải rộng rãi những thông điệp đúng lúc đến những độc giả họ muốn tiếp cận. Họ có thể viết một thông điệp ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào và chia sẻ nó với bất cứ ai quan tâm mà không cần đến sự can thiệp của quan hệ công chúng, diễn giả, đi lại bằng máy bay, các băng video ghi hình hoặc tin nhắn thư thoại.
Giờ đây, lời nói của họ có tính xác thực hơn và có thể có sức mạnh đáng kể.
Mạng xã hội cũng làm các tổ chức phẳng hơn bằng việc phân phối sự tiếp cận thông tin. Mọi người đều bình đẳng trong mạng xã hội. Không hề có hệ thống cấp bậc trong mạng xã hội.
Mối đe dọa lớn nhất từ mạng xã hội là với các nhà quản lý cấp trung, những người có thể trở nên lỗi thời khi việc chuyển tải thông điệp trong tổ chức không còn cần đến họ. Chìa khóa để thành công trong thời đại mạng xã hội là trao quyền cho những người làm công việc thực tế - thiết kế sản phẩm, sản xuất, tạo ra các sáng kiến marketing hoặc bán dịch vụ - mà không có hệ thống phân cấp thứ bậc.
Các công ty tiếp thị tiêu dùng đang "xếp hàng" để sử dụng những mạng xã hội nhằm tiếp cận các tập khách hàng về mặt nhân khẩu học phù hợp với họ, các thông điệp được cá nhân hóa cao.
Rõ ràng các công ty đang cách mạng hóa marketing bằng việc chuyển tiền dùng cho các quảng cáo truyền thông sang xây dựng phương tiện và nội dung của riêng mình. Ví dụ, Kraft Foods hiện là một trong những nhà xuất bản lớn nhất về các ấn phẩm liên quan tới thức ăn.
IBM ra mắt cộng đồng lãnh đạo. PepsiCo sử dụng mạng xã hội để tiếp cận hàng triệu doanh nhân thay vì quảng cáo tại Super Bowl. Từ góc nhìn lãnh đạo, mạng xã hội đang khiến cho việc lãnh đạo đích thực thành một thực tế và cần thiết đối với các nhà lãnh đạo thế kỉ 21. Bạn không thể che giấu trên mạng xã hội khi bạn tiết lộ bạn là ai và bạn thực sự tin tưởng điều gì. Ở đây sự minh bạch là cần thiết.
Thậm chí quan trọng hơn, hiện tượng mới mẻ này đang cho phép các nhà lãnh đạo kinh doanh xây dựng lại niềm tin và sự tín nhiệm họ đã đánh mất trong 10 năm gần đây. Đó là lý do tại sao mạng xã hội lại là sự phát triển kinh doanh quan trọng nhất của năm.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét