Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

Tiền kiếp có hay không?


    
 
Sau khi chết, linh hồn hay tâm thức của con người có còn tồn tại? Chết có phải là hết? Khái niệm “linh hồn”, “đầu thai” chỉ là một hình ảnh tưởng tượng và chỉ có trong quan niệm của tôn giáo? Nếu như còn linh hồn hay tâm thức thì nó sẽ đi về đâu khi con người chết đi?
Có rất nhiều tác giả đã viết về sự đầu thai và gần như lúc nào cũng khẳng định nó là có thật, một trong số họ thậm chí còn miêu tả hẳn các quá trình của nó; một số các tác giả khác lại cho rằng sự đầu thai là một điều ngớ ngẩn. Rất ít người trong số những tác giả này tỏ ra quan tâm đến việc đi tìm bằng chứng ủng hộ hoặc bác bỏ hiện tượng đầu thai.
Jim Tucker đã viết ra một cuốn sách khác hẳn. Với ông, bằng chứng luôn là điều quan trọng nhất. Ông đặt ra câu hỏi liệu những bằng chứng đó có cho thấy hiện tượng đầu thai là có thật hay không, hoặc thậm chí là khiến người ta phải tin vào nó.
Bất cứ người nào cũng có thể dễ dàng đưa ra những lập luận bác bỏ sự đầu thai: con số ít ỏi những người tuyên bố họ nhớ được kiếp trước của mình, trí nhớ không chắc chắn, sự bùng nổ dân số, vấn đề tâm thức-cơ thể, sự lừa gạt và nhiều điều khác nữa. Jim Tucker đã bàn đến từng lập luận này rất kỹ càng. Cuốn sách này của ông không hề giống với bất cứ cuốn nào khác, bởi trước đó chưa hề có một cuốn sách nào như vậy.
Cuốn sách đặc biệt ấn tượng bởi cách Jim Tucker dẫn dắt độc giả. Ông đặt câu hỏi và gần như là yêu cầu họ cùng lập luận với mình trong lúc ông miêu tả và thảo luận từng quan điểm phản đối hiện tượng đầu thai. Ông viết hay đến nỗi có thể khiến một độc giả bình thường quên mất rằng mình đang còn có việc khác phải làm. Hãy đọc để thấy các bằng chứng có thể trả lời được câu hỏi quan trọng mà chúng ta vẫn tự hỏi bản thân mình: “Điều gì sẽ xảy ra sau khi chúng ta chết đi?”
Cuốn sách Tiền kiếp - có hay không? mang tính phân tích nhiều hơn cảm xúc và tôn giáo. Tác giả không cố thuyết phục các bạn rằng những câu chuyện này chứng tỏ hiện tượng đầu thai là có thật hay tuyên truyền cho một giả thuyết nào cả. Thay vào đó, tác giả chỉ đưa ra các trường hợp để các bạn có thể xem xét chúng và tự rút ra kết luận cho riêng mình.
Nhận xét về công trình nghiên cứu này, ông B. ALAN WALLACE, chủ tịch Viện nghiên cứu ý thức Santa Barbara cho rằng “Công trình khái quát xuất sắc của Jim Tucker về thành quả nghiên cứu trong nhiều thập kỷ của bác sĩ Stevenson về hiện tượng trẻ nhớ được kiếp trước là hiện thân của chủ nghĩa hoài nghi khoa học chân chính, chứ không phải là chủ nghĩa duy vật thiếu suy nghĩ mà chúng ta vẫn tự hào.”

 Sưu tầm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét